Ngày đăng: 10:41 AM 29/05/2018 - Lượt xem: 1879
Chẳng phải cao lương mỹ vị, cũng không tốn kém đắt tiền, bánh mướt - bánh cặp Hà Tĩnh vẫn níu chân người quay lại để nếm thử vị ngon không lẫn với bất kỳ nơi đâu.
Ai đã đến Hà Tĩnh mà chưa ăn bánh mướt cuốn với ram thì thật là uổng phí. Ram làm từ miến, thịt, ớt tiêu, nấm, lá lốt cuốn với bánh ram làm từ bột gạo… rán vàng. Khi ăn ta cuốn ram với bánh mướt chấm với nước mắm tỏi ớt, hương vị không thể chê vào đâu được.
Theo cách dùng từ của người Hà Tĩnh, ram tức là nem rán, là món ăn nổi tiếng, góp phần làm nên hương vị ẩm thực Việt Nam. Nhưng ăn ram ở Hà Tĩnh, sẽ cảm nhận một hương vị thật khác. Bánh mướt là cách gọi khác của bánh cuốn, bánh ướt, ưa dùng ở Hà Tĩnh.
Ram bánh mướt là sự kết hợp hài hòa giữa bánh mướt mềm dẻo, thanh mát và ram rán giòn tan, thơm lừng, là món ăn vừa giản dị, vừa tinh tế của người Hà Tĩnh.
Để làm món ram bánh mướt ngon, người dân Hà Tĩnh đã rất công phu từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, cách thức chế biến, đến cách cuốn ram, rán, pha nước chấm ăn kèm...
Bánh mướt phải làm từ gạo tẻ trắng ngần, ngâm trong nước 6-8 tiếng đồng hồ. Vốn dĩ ngâm lâu như vậy là để bánh ngon hơn, mềm mịn hơn. Bánh được tráng từng lớp thật mỏng, nóng hổi, nhanh tay cuốn cùng ram rán giòn tan, chấm cùng nước mắm pha riêng, bạn sẽ không thể ngừng ăn cho đến khi bụng no đẫy.
Cái thú của món này chính là ở cảm giác khi nhai. Cái giòn rụm của ram kết hợp với độ dai dai, mềm mềm của bánh mướt, vừa thanh đạm lại vừa ngậy béo.
Còn món bánh cặp thì sao? Người ta đặt hai chiếc bánh mướt trắng nõn lên tấm bì cói, tiếp đó là một chiếc bánh tráng (bánh đa) nhỏ và cuối cùng là một lớp bánh mướt nữa, rồi gập lại, "cặp" vào với nhau, đập cho hai loại bánh dính chặt, thế là thành món "bánh cặp" (còn gọi là "bánh đập"). Món bánh này ăn kèm cùng với giò, chả và rau sống.
Bánh tráng phải dày, ủ nóng, giòn tan và bùi ngậy. Bánh mướt phải tráng mỏng, ngọt đậm và dậy mùi thơm. Hai thứ bánh này khi đập kết dính vào nhau, giòn mà không bị khô, đậm đà mà không ngán.
Đặc biệt, bánh cặp ngon chính là nhờ ở bát nước chấm. Nước mắm để pha phải là loại nước mắm chắt, vàng óng và thơm lừng, khi nếm còn có vị ngọt đậm ở đầu lưỡi. Nước mắm ngon đã đành, nhưng phải pha không nhạt, không mặn vừa đủ vị ngọt thơm, lại có vị cay nồng của ớt, của tỏi, chấm bánh mới mê.
Khi ăn cũng có cảm giác thật khác lạ. Sự kết hợp tuyệt với giữa hai món bánh quen thuộc của người dân Việt Nam trở thành đặc sản của cả vùng Hà Tĩnh. Người con xa quê thì luôn nhớ về, còn du khách ghé thăm ăn một lần mãi không quên.