Ngày đăng: 05:40 PM 25/10/2019 - Lượt xem: 2596
Mặc dù đã du nhập vào nước ta từ rất lâu, nhưng mắc ca ở Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước. Nói đến những vùng thích hợp và có tiềm năng để phát triên loại cây trồng này nhất có thể kể đến Tây Nguyên và Tây Bắc.
Mắc ca Việt Nam - Hành trình và tiềm năng phát triển ở Tây Nguyên và Tây Bắc
Tuy đã du nhập vào Việt Nam hơn 25 năm nhưng chỉ trong thời gian những năm gần đây, mắc ca mới được chú ý. Với điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, thổ nhưỡng phong phú, Tây Nguyên và Tây Bắc là nơi có tiềm năng phát triển mắc ca tại nước ta.
Tây Nguyên là vùng có sự nổi bật về sự đa dạng các kiểu địa hình, nhất là quỹ đất đỏ bazan màu mỡ, độ sâu tầng đất lớn, hàm lượng mùn cao. Hiện có 1 triệu ha đất ở Tây Nguyên thích hợp trồng mắc ca. Đối với Tây Bắc, nơi diện tích còn khá lớn, hơn nữa khí hậu mưa điều hòa, độ ẩm tốt, đặc biệt ở ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nhiều hộ gia đình đã chọn mắc ca để làm giàu. Đến nay, các tỉnh Tây Bắc đã trồng được 3.300 ha. Viện quy hoạch rừng (thuộc Bộ NN & PTNT) đã đề xuất trồng 200.000 ha tại các tỉnh Tây Nguyên và 50.000 ha tại Tây Bắc trong giai đoạn năm 2015 – 2025.
Ông Huỳnh Ngọc Huy – Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho biết: “Một trong những yêu cầu sinh thái thiết yếu nhất đối với cây mắc ca là biên độ nhiệt, cây sẽ cho nhiều hoa ở 12 – 21oC. Là loại cây “dễ tính” nhưng đất phù hợp trồng mắc ca rất hiếm, do đó đây là ngành hàng có nhu cầu lớn trên thị trường, ở nước ta chỉ có thể trồng chủ yếu ở Tây Nguyên và Tây Bắc.
Đối với doanh nghiệp có nhiều quỹ đất thì nên trồng thuần. Bà con nông dân có thể trồng xen các loại cây khác như các cây công nghiệp có giá trị cao hoặc cây ngắn ngày như bắp, dứa, nghệ để lấy ngắn nuôi dài. Hiệp hội Mắc ca khuyến cáo để trồng mắc ca có hiệu quả bà con nên cẩn thận trong chọn giống, tránh mua giống trôi nổi”.
Theo giáo sư Hoàng Hòe – Nguyên Viện trưởng Viện điều tra quy hoạch rừng, Chủ nhiệm Dự án mắc ca trong chương trình hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Úc, cho rằng Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, tuy nhiên các chuyên gia dự báo chưa thấy có những vấn đề hay trở ngại đáng kể nào tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp này cho đến thời điểm hiện tại. Trái lại, tất cả triển vọng cho ngành công nghiệp mắc ca trở nên hiện thực hơn.
“Sản lượng dự báo năm 2030 của thế giới sẽ đạt khoảng 400.000 tấn, chỉ đáp ứng khoảng 50% so với nhu cầu, thế nên trong 10 năm tới lượng cung vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Cũng phải khẳng định rằng phát triển mắc ca ở Việt Nam không nên chạy theo số lượng mà phải chú trọng chất lượng”.
Nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ NN & PTNT, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và Ngân hàng Liên Việt, tính đến năm 2018, cả nước đã trồng được 10.000 ha. Từ con số 0, đến nay đã có cơ sở để tin tưởng cây mắc ca có thể phát triển thành ngành công nghiệp bền vững.
Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy triển vọng của Việt Nam có đủ điều kiện để trồng được 30 triệu cây với các phương thức trồng xen, trồng thuần và trồng cây phân tán. Theo tính toán, nếu trừ chi phí đầu tư thì 1 ha mắc ca thu được lợi nhuận 100 triệu đồng/vụ.
Xem thêm: